Bắt Đầu Trước Khi Đến Cha-ran
Hình Thể Học Về Ai Cập
Những Lời Hứa Cho Áp-ra-ham
Con Của Áp-ra-ham
Chuyến Hành Trình Giống Như Của Chúng Ta
Si-chem
Hình Thể Học Về Cây Cối
Từ Si-chem Đến Bê-tên
Một Lần Nữa, Hy Sinh
Đi Đến Ai Cập
Bạn Không Bao Giờ Có Thể Vẫn Như Vậy
Khôi Phục Lại Hành Trình Ban Đầu
Từ Hội Thánh Đến Thông Công
Bê-tên Sẽ Dẫn Đến Nan Đề
Những Cư Dân Bê-tên
Tất Cả Chúng Ta Ở Nơi Nào Đó Trên Hành Trình
Xin hãy mở với tôi Sáng Thế Ký đoạn 12. Trong tiếng Hê-bơ-rơ, chúng tôi gọi sách Sáng Thế Ký là “B’reshit” – “Ban đầu.” Đây là khoảng hơn 2.166 năm trước khi Chúa Jesus giáng sinh.
Vả, Đức Giê-hô-va có phán cùng Áp-ram…
[Vào lúc nầy là “Áp-ram” – chưa phải là “Áp-ra-ham.”]
“Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi, mà đi đến xứ Ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn;
Ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước.
Rồi, Áp-ram đi, theo như lời Đức Giê-hô-va đã phán dạy; Lót đồng đi với người. Khi Áp-ram ra khỏi Cha-ran, tuổi người được bảy mươi lăm. Áp-ram dẫn Sa-rai…
[Sa-rai, trong tiếng Hê-bơ-rơ nghĩa là “công chúa của tôi.”]
...vợ mình, Lót, cháu mình, cả gia tài đã thâu góp, và các đầy tớ đã được tại Cha-ran, từ đó ra, để đi đến xứ Ca-na-an; rồi, chúng đều đến xứ Ca-na-an. Áp-ram trải qua xứ nầy, đến cây dẻ bộp của Mô-rê, tại Si-chem. Vả, lúc đó, dân Ca-na-an ở tại xứ. Đức Giê-hô-va hiện ra cùng Áp-ram mà phán rằng: Ta sẽ ban cho dòng dõi ngươi đất nầy! Rồi tại đó Áp-ram lập một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va, là Đấng đã hiện đến cùng người.
Từ đó, người đi qua núi ở về phía đông Bê-tên, rồi đóng trại; phía tây có Bê-tên, phía đông có A-hi. Đoạn, người lập tại đó một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va và cầu khẩn danh Ngài. Kế sau, Áp-ram vừa đi vừa đóng trại lần lần đến Nam phương.
Bấy giờ, trong xứ bị cơn đói kém; sự đói kém ấy lớn, nên Áp-ram xuống xứ Ê-díp-tô mà kiều ngụ. Khi hầu vào đất Ê-díp-tô, Áp-ram bèn nói cùng Sa-rai, vợ mình, rằng: Nầy, ta biết ngươi là một người đàn bà đẹp. Gặp khi nào dân Ê-díp-tô thấy ngươi, họ sẽ nói rằng: Ấy là vợ hắn đó; họ sẽ giết ta, nhưng để cho ngươi sống. Ta xin hãy xưng ngươi là em gái ta…
[và thực ra bà là em cùng cha khác mẹ với ông…]
hầu cho sẽ vì ngươi mà ta được trọng đãi và giữ toàn mạng ta. Áp-ram vừa đến xứ Ê-díp-tô, dân Ê-díp-tô nhìn thấy người đàn bà đó đẹp lắm. Các triều thần của Pha-ra-ôn cũng thấy người và trầm trồ trước mặt vua; đoạn người đàn bà bị dẫn vào cung Pha-ra-ôn. Vì cớ người, nên Pha-ra-ôn hậu đãi Áp-ram, và Áp-ram được nhiều chiên, bò, lừa đực, lừa cái, lạc đà, tôi trai và tớ gái. Song vì Sa-rai, vợ Áp-ram, nên Đức Giê-hô-va hành phạt Pha-ra-ôn cùng nhà người bị tai họa lớn. Pha-ra-ôn bèn đòi Áp-ram hỏi rằng: Ngươi đã làm chi cho ta vậy? Sao không tâu với ta rằng là vợ ngươi? Sao đã nói rằng: Người đó là em gái tôi? Nên nỗi ta đã lấy nàng làm vợ. Bây giờ, vợ ngươi đây; hãy nhận lấy và đi đi.
Đoạn, Pha-ra-ôn hạ lịnh cho quan quân đưa vợ chồng Áp-ram cùng hết thảy tài vật của người đi.
Đoạn 13
Áp-ram ở Ê-díp-tô dẫn vợ cùng các tài vật mình và Lót, đồng trở lên Nam phương. Vả, Áp-ram rất giàu có súc vật, vàng và bạc. Người vừa đi vừa đóng trại, từ Nam phương trở về Bê-tên, đến nơi người đã đóng trại ban đầu hết, ở về giữa khoảng Bê-tên và A-hi, là nơi đã lập một bàn thờ lúc trước. Ở đó Áp-ram cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va. Vả, Lót cùng đi với Áp-ram, cũng có chiên, bò, và trại. Xứ đó không đủ chỗ cho hai người ở chung, vì tài vật rất nhiều cho đến đỗi không ở chung nhau được. Trong khi dân Ca-na-an và dân Phê-rê-sít ở trong xứ, xảy có chuyện tranh giành của bọn chăn chiên Áp-ram cùng bọn chăn chiên Lót.
Áp-ram nói cùng Lót rằng: Chúng ta là cốt nhục, xin ngươi cùng ta chẳng nên cãi lẫy nhau và bọn chăn chiên ta cùng bọn chăn chiên ngươi cũng đừng tranh giành nhau nữa. Toàn xứ há chẳng ở trước mặt ngươi sao? Vậy, hãy lìa khỏi ta; nếu ngươi lấy bên tả, ta sẽ qua bên hữu; nếu ngươi lấy bên hữu, ta sẽ qua bên tả. Lót bèn ngước mắt lên, thấy khắp cánh đồng bằng bên sông Giô-đanh, là nơi (trước khi Đức Giê-hô-va chưa phá hủy thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ) thảy đều có nước chảy tưới khắp đến Xoa; đồng đó cũng như vườn của Đức Giê-hô-va và như xứ Ê-díp-tô vậy. Lót bèn chọn lấy cho mình hết cánh đồng bằng bên sông Giô-đanh và đi qua phía đông. Vậy, hai người chia rẽ nhau.
- Bắt Đầu Trước Khi Đến Cha-ran
Có vài việc mà người Do Thái xa xưa biết không được chép trong Thánh Kinh Cựu Ước, nhưng sau đó được ghi lại trong Tân Ước. Bài giảng của Ê-tiên trước khi tuận đạo trong Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 7, kể cho chúng ta vài điều về hành trình của Áp-ra-ham không được chép trong Sáng Thế Ký. Trong Công Vụ 7, ông nói điều nầy…
“Đức Chúa Trời vinh hiển đã hiện ra cùng tổ chúng ta là Áp-ra-ham, khi người còn ở tại Mê-sô-bô-ta-mi, chưa đến ở tại Cha-ran, mà phán rằng: Hãy ra khỏi quê hương và bà con ngươi, mà đi đến xứ Ta sẽ chỉ cho. SaSt 12:1 Bấy giờ người ra khỏi xứ Canh-đê, rồi đến thành Cha-ran. Từ đó, lúc cha người qua đời rồi, Đức Chúa Trời khiến người từ nơi đó qua xứ các ông hiện đang ở” (Công 7:2-4).
Sách Công Vụ cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời đã kêu gọi Áp-ra-ham ở Mê-sô-bô-ta-mi – U-rơ thuộc xứ Canh-đê. Sáng Thế Ký tìm được câu chuyện ở Cha-ran rất lâu sau đó.
Áp-ra-ham là cha của tất cả những ai tin – Người Do Thái, người Ả-rập, thậm chí người Hồi giáo cũng trông cậy vào Áp-ra-ham. Người Ả-rập gọi ông là “Ibrahim,” người Do Thái gọi là “Abba Abraham” – “Cha Áp-ra-ham.” “Cha của tất cả những ai tin” có nghĩa ông cùng loại người với chúng ta. Kinh nghiệm của ông báo trước những gì sẽ xảy ra cho hậu duệ ông. Mặt khác, những gì đã xảy ra với ông, sẽ xảy ra cho chúng ta. Điều nầy được gọi là midrash. Chúng ta hãy xét xem một ví dụ rất nổi tiếng về midrash.
- Hình Thể Học* Về Ai Cập
Hãy hiểu cụm từ “ra khỏi Ai Cập” (ra khỏi xứ Ê-díp-tô).
- a) Trong một cơn đói kém, Áp-ra-ham đi vào Ai Cập và cư ngụ nơi đó
- b) Đức Chúa Trời phán xét Pha-ra-ôn
- c) Áp-ra-ham ra khỏi Ai Cập
- d) Đi vào Israel.
*Nguyên văn “typology” (tạm dịch là hình thể học). Theo Tự Điển Oxford Dictionaries, typology được định nghĩa là môn học nghiên cứu và phân tích bằng cách dùng sự phân loại (classification) theo kiểu, loại (type) nói chung, trong khảo cổ học, tâm lý học, hoặc các ngành khoa học xã hội (social science). Môn học nầy lúc đầu là nhằm nghiên cứu và giải thích các loại hình, kiểu mẫu, và biểu tượng (symbols) trong Thánh Kinh. ND.
Sau đó hậu duệ của ông, các con trai của Gia-cốp, đi vào Ai Cập trong một cơn đói kém. Sự phán xét của Đức Chúa Trời giáng xuống Pha-ra-ôn – một Pha-ra-ôn gian ác và hậu duệ của Áp-ra-ham làm điều mà Áp-ra-ham đã làm: Họ ra khỏi Ai Cập mang theo của cải Ai Cập vào Israel. Như vậy điều xảy ra với Áp-ra-ham cũng xảy ra với người Do Thái, hậu duệ thuộc về sinh học của ông.
Nhưng điều xảy ra cho chúng ta được Phao-lô nói trong I Cô-rinh-tô. Ai Cập là hình bóng (kiểu cách) của thế gian và Đất Hứa là hình bóng của thiên đàng. Lúc Môi-se thực hiện giao ước vẫy huyết lên dân sự, dẫn họ qua Biển Đỏ vào Đất Hứa, cũng một cách như Chúa Jesus đi lên đồi Gô-gô-tha, thực hiện giao ước với huyết của chính Ngài và mang chúng ta ra khỏi thế gian qua phép Báp-têm để vào thiên đàng (I Côr. 10). Chúng ta ra khỏi “Ai Cập.” Dĩ nhiên Pha-ra-ôn ở lại, hình bóng của ma quỷ, thần của thế gian. Nhưng hắn cũng là kiểu cách chính của Antichrist, kẻ sắp đến. Như vậy Áp-ra-ham ra khỏi Ai Cập, hậu duệ Do Thái của ông ra khỏi Ai Cập và chúng ta trong sự cứu rỗi bởi vì ông là cha của tất cả những ai tin – chúng ta ra khỏi Ai Cập.
Giờ đây nhiều người có nan đề, đặc biệt là các nhà thần học tự do, trong Ma-thi-ơ 2:15… “Ta đã gọi Con ta ra khỏi nước Ê-díp-tô [Ai Cập].” … khi vua Hê-rốt chết. Ma-thi-ơ trích dẫn từ tiên tri Ô-sê 11:1, nhưng Ô-sê đang nói về việc di cư của người Do Thái. Khi Y-sơ-ra-ên còn thơ ấu, ta yêu dấu nó; ta gọi con trai ta ra khỏi Ê-díp-tô (Ô-sê 11:1).
Làm sao mà Ma-thi-ơ lại lấy bản văn dùng cho người Do Thái trong việc di cư để nói về Chúa Jesus?
Vâng, bởi vì cách lý giải về lời tiên tri của người Do Thái là “kiểu mẫu.”
Áp-ra-ham ra khỏi Ai Cập, người Do Thái ra khỏi Ai Cập,, chúng ta ra khỏi Ai Cập và Chúa Jesus là con cháu Áp-ra-ham, vì vậy Ngài phải ra khỏi Ai Cập. Chúa vừa khớp với kiểu mẫu. Đức Chúa Trời một lần nữa phán xét một vua gian ác – Hê-rốt – và trong tính cách của Áp-ra-ham, con cháu của Áp-ra-ham (Chúa Jesus) ra khỏi Ai Cập. Lời tiên tri của người Do Thái là kiểu mẫu. Cuối cùng việc ra khỏi Ai Cập là sự cất lên và phục sinh của Hội Thánh. Những sự trừng phạt trên Ai Cập trong Sách Xuất Ê-díp-tô Ký được tái diễn trong sách Khải Huyền; bóng tối, huyết, vân vân. Và cách mà Pha-ra-ôn giả mạo các phép lạ của Môi-se và A-rôn là cách mà Antichrist và các tiên tri giả sẽ giả mạo các phép lạ của Chúa Jesus và những chứng nhân của Ngài (Khải 13:13, 14).
Họ đã mang xương cốt của Giô-sép theo họ ra khỏi Ai Cập để vào trong Đất Hứa bởi vì “những kẻ chết trong Đấng Christ sẽ sống lại trước hết,” chúng ta cùng ra khỏi Ai Cập. Đó là hình ảnh của sự phục sinh. Đó là điều tốt nhất của việc ra khỏi Ai Cập. Lời tiên tri của người Do Thái luôn luôn là kiểu mẫu, với nhiều sự hoàn thành. Nhưng mỗi sự hoàn thành là một “kiểu” hoặc điềm báo trước của việc hoàn thành sau cùng. Đó là thật với cuộc đời của Áp-ra-ham. Những trải nghiệm của ông được tái diễn bởi người Do Thái và bởi những tín nhân; chúng ta ra khỏi Ai Cập.
- Những Lời Hứa Cho Áp-ra-ham
Đức Chúa Trời đã ban cho Áp-ra-ham năm lời hứa (Sáng 12:2, 3; 13:14).
- a) Ngài sẽ làm nổi danh ngươi (điều đó chắc chắn đã xảy ra);
- b) Ngài hứa ban cho ông xứ (xảy ra lúc cuối cùng);
- c) Ngài hứa làm cho ông nên một dân lớn (đang xảy ra);
- d) Đức Chúa Trời cũng hứa Ngài sẽ ban phước cho người nào chúc phước Áp-ra-ham – Lời hứa nầy rồi được truyền đạt lại cho Gia-cốp và hậu duệ của Áp-ra-ham qua các tộc trưởng – và
- e) Ngài sẽ rủa sả kẻ nào rủa sả Áp-ra-ham và hậu duệ ông. (Và điều nầy đã luôn luôn xảy ra). Đây là vài ví dụ hiện đại về việc:
“Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi.”
Mỹ là một quốc gia tội lỗi. Ma túy, vô đạo đức, tham lam, hay thay đổi, vân vân. Sự trừng phạt của Đức Chúa Trời sẽ giáng vào Hoa Kỳ đã lâu, nếu không vì hai lý do: Ba trong số năm đô-la dùng cho truyền giáo, giảng Phúc Âm và từ thiện trên thế giới đến từ Bắc Mỹ; còn lý do kia là Mỹ đã bảo vệ cho người Do Thái tốt hơn các quốc gia khác.
Điều tương tự sẽ là thật đối với Hòa Lan. Sự vô đạo đức ở Hòa Lan thật kinh khiếp. Bạn không thể tin nỗi. Nhưng người Hòa Lan đã bảo vệ người Do Thái trong việc tàn sát thời Hitler. Tôi tin chắc rằng đây là điều duy nhất đã giữ lại cánh tay trừng phạt của Đức Chúa Trời. Trong bất kỳ sự kiện nào, Chúa sẽ ban phước cho người nào chúc phước cho người Do Thái và Ngài sẽ rủa sả kẻ nào rủa sả người Do Thái.
“và rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi.”
Có thể bạn đã xem phim về việc tàn sát người Do Thái thời Hitler, Bản Danh Sách Của Schindler (Schindler’s List). Khi bọn Quốc Xã tiếp quản nước Đức, họ xây những bức tường quanh các khu vực người Do Thái sinh sống (ghetto). Bất kỳ người Do Thái nào trèo qua tường sẽ bị chúng bắn bằng súng máy. Rồi điều gì xảy ra? Khi Đế Chế Thứ Ba Đức (sự cai trị của Hitler) sụp đổ, một bức tường được xây dựng quanh thành phố Berlin, thủ đô vĩ đại của Đức Quốc Xã và bất kỳ người Đức nào trèo qua tường sẽ bị lính Nga bắn bằng súng máy. Bạn có biết rằng bức tường Berlin đã không đổ xuống cho đến khi Rudolph Hess* chết trong nhà tù Spandau không? Không phải cho đến khi Hess, đảng viên Quốc Xã cuối cùng chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra trong thập niên 30 và 40 đã chết, thì bức tường mới đổ xuống.
*Rudolph Walter Richard Hess (26.4.1894-17.8.1987) là nhân vật lỗi lạc của Đức Quốc Xã, đại diện cho Hitler trong Đảng. Ông ta bị kết án tù chung thân ở Tòa Án Nuremberg và chết ở nhà tù Spandau, Berlin vào năm 1987. ND.
Ông bà tôi đến từ nước Anh. Đế quốc Anh đã từng vĩ đại. Nếu bạn nói với ông bà tôi rằng thời gian tới đế quốc Anh sẽ sụp đổ thì họ sẽ cười bạn. Nhưng Anh quốc đã ký vào Bản Tuyên Ngôn Balfour,* hứa cho người Do Thái một xứ sở ở Israel. Rồi sau khi hứa cho người Do Thái quyền trở về, họ đã rút lại Bản Tuyên Ngôn Balfour và người Do Thái đi vào các trại tập trung Quốc Xã. Thậm chí sau chiến tranh, khi việc tàn sát người Do Thái được biết là đã xảy ra, Anh quốc lại đưa người Do Thái trở lại các trại cải tạo ở Cypress ngăn họ đi đến Israel, để không làm người Hồi giáo khó chịu. Giờ đây đế quốc Anh vĩ đại chỉ còn trong ký ức. Tôi biết bởi vì tôi sống ở đó.
*Balfour Declaration được áp dụng cho hai tuyên bố chính sánh then chốt của chính phủ Anh quốc kết hợp với các chính khách đảng Bảo Thủ và cựu Thủ Tướng Arthur Balfour. Bản Tuyên Ngôn Balfour 1917 (02.11.1917) là bức thư mà Bộ Trưởng Ngoại Giao Anh quốc Lord Arthur Balfour trao cho Nam Tước Rothschild, được xem như đại diện cho người Do Thái. Bản Tuyên Ngôn Balfour 1926 (15.11.1926) được đề xuất bởi Thủ Tướng Nam Phi Hertzog và Thủ Tướng Canada William Lyon Mackenzie King. ND.
Tòa Án Dị Giáo Tây Ban Nha (Inquisition). Tây Ban Nha từng là quyền lực lớn của thế giới, họ là những người xuất chúng ở Tân Thế Giới (Châu Mỹ) cho đến khi có Tòa Án Dị Giáo. Năm 1492, Columbus khám phá ra Châu Mỹ, rồi dưới quyền của Ferdinand và Isabella, tòa án dị giáo bắt đầu (do đề nghị của Hội Thánh Công Giáo La Mã). Thời kỳ nầy không quá lâu trước khi Francis Drake, thuyền trưởng hải quân Anh quốc đánh chìm tàu Tây Ban Nha Armada, rồi Đế Quốc Anh nổi lên: “Người Anh cai trị biển cả.”
“Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi và rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi.”
- Con Của Áp-ra-ham
Ân huệ đặc biệt nầy không phải vì người Do Thái tốt hơn các dân tộc khác – mà là bởi lời hứa của Chúa cho Áp-ra-ham. Điều nầy đúng với Hội Thánh vì Cơ Đốc nhân cũng là con của Áp-ra-ham. Tín hữu được tái sanh và người Do Thái là hai loại người duy nhất mà Thánh Kinh gọi là “Tuyển Dân của Đức Chúa Trời” (Thi 105:6; II Tês. 2:13).
Trong Sáng 3:15…
“Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau...”
“Người nữ” ở đây là Israel cũng là Hội Thánh được mở rộng và hợp tác (Sách Rô-ma dạy rằng chúng ta được tháp vào Israel). Bạn sẽ thấy rằng hai loại người mà Satan luôn ghét nhất là người Do Thái và Cơ Đốc nhân tái sanh. Họ là hai loại người hậu tự của Áp-ra-ham được gọi là “dân sự của Đức Chúa Trời.”
Trong lịch sử ai là người bị Hội Thánh Công Giáo La Mã bắt bớ nhiều nhất? Người Do Thái và Cơ Đốc nhân tái sanh. Ai là người mà Hồi Giáo ghét nhất? Người Do Thái và Cơ Đốc nhân tái sanh. Chính Thống Giáo Đông Phương cũng vậy. Đức Chúa Trời sẽ ban phước những người chúc phước cho hậu tự của Áp-ra-ham, cả hậu tự về sinh học và hậu tự bởi đức tin của ông. Và Ngài sẽ rủa sả người nào rủa sả họ. Ai rủa sả người Do Thái hoặc rủa sả Hội Thánh thật tức là đụng đến con ngươi của mắt Ngài (Xa-cha-ri 2:8). Nhưng câu chuyện của Áp-ra-ham còn hơn là việc nầy.
- Chuyến Hành Trình Giống Như Của Chúng Ta
Đó là hành trình của Áp-ra-ham. Hành trình của ông giống như của chúng ta. Sách Sáng Thế Ký cho chúng ta biết hành trình bắt đầu ở Cha-ran, khi cha ông qua đời. Đó là lúc ông đáp lời kêu gọi của Đức Chúa Trời. Nhưng Tân Ước nói rằng đó không phải lúc Đức Chúa Trời kêu gọi. Lời kêu gọi của Đức Chúa Trời bắt đầu ở U-rơ thuộc về xứ Canh-đê, nơi tháp Ba-bên độ chừng được xây dựng và đó là chỗ mà sau nầy đế quốc Ba-by-lôn nổi lên. Chúng ta được nghe kể từ truyền thống Do Thái, trong văn học Kinh Talmud rằng cha của Áp-ra-ham là người buôn hình tượng. Và có câu chuyện trong Kinh Talmud – dĩ nhiên chỉ là câu chuyện – rằng Áp-ra-ham đã lấy búa và đập vỡ tất cả hình tượng của cha mình, ngoại trừ một cái và ông đặt cây búa vào tay của pho tượng còn lại đó. Rồi Tha-rê, cha ông đi vào và hỏi: “Ai đã giết tất cả những hình tượng nầy?” Áp-ra-ham nói: “Pho tượng đó đã làm, pho tượng đang cầm búa.” Cha ông nói: “Không thể được! Nó chỉ là mảnh đá, không có hơi thở và sự sống trong đó!” Áp-ra-ham đáp: “Chính xác, hỡi cha – chính xác.” Đó chỉ là câu chuyện ở Kinh Talmud. Cha ông là người buôn tượng. Không phải đến lúc cha ông chết, vào điểm khủng hoảng trong cuộc đời, ông mới đáp lời kêu gọi mà Đức Chúa Trời ban cho lúc còn trẻ, mà là lúc sớm hơn nhiều ở U-rơ thuộc về xứ Canh-đê.
Rất thường xảy ra cho dân sự. Đức Chúa Trời đang lôi kéo họ, Đức Chúa Trời kêu gọi họ luôn luôn, nhưng phải vào lúc khủng hoảng trong đời sống, họ mới đáp lại ân điển và sự kêu gọi của Ngài. Đôi khi đó là cái chết của một người thân yêu, những lúc khác là tai họa tài chánh, khủng hoảng sức khỏe hay kết hợp các loại. Đức Chúa Trời ở ngoài việc cứu dân sự. Ngài kêu gọi, kêu gọi và kêu gọi, nhưng khi dân sự không đáp lời, thậm chí Chúa sẽ dùng tai họa để cho họ được cứu.
Bạn thấy, những kẻ Ngài đã biết trước (Rôm. 8:29). Tôi không phải là người theo giáo phái Cải Chánh (Calvinist) nhưng Đức Chúa Trời đãbiết chúng ta trước khi sáng thế và Ngài bắt đầu kéo chúng ta từ lúc thụ thai, từ thời thơ ấu. Khi người nào được tái sanh, khi ai đó hiểu biết sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus, khi đầu tiên bạn được cứu, không chỉ có ý nghĩa cho tương lai bạn, không chỉ có ý nghĩa cho hiện tại bạn, mà còn cho cả quá khứ của bạn nữa. Đó là tất cả những cú nhắp. Bạn từng đến để biết Chúa, bạn nhận thức được tại sao cuộc đời mình là như vậy. Những việc đã xảy ra bạn không thể thật sự hiểu. Phải chăng đó là loại tư tưởng đã đi qua đầu bạn trên giường trước khi bạn thiếp vào giấc ngủ vào ban đêm, phải chăng đó là các trải nghiệm bạn có, hoặc chỉ là những ấn tượng không có ý nghĩa nào. Thế nhưng khi bạn nhận thức mình được cứu thật sự, “Đó là lúc Đức Chúa Trời đang kéo tôi theo mục đích và thời điểm nầy khi tôi đã đến để biết Chúa qua Con Ngài.” Khi ai đó được tái sanh, không chỉ tương lai họ có ý nghĩa, không chỉ hiện tại họ có ý nghĩa, nhưng cả quá khứ cũng có ý nghĩa. Đức Chúa Trời đang kéo tất cả chúng ta theo.
Nhưng giống như cha Áp-ra-ham – Áp-ra-ham, cha chúng ta, rất thường dùng sự khủng hoảng cho chúng ta để đáp lại ân điển và lời kêu gọi của Chúa. Nhưng rồi cuộc hành trình thật sự bắt đầu. Rời khỏi gia đình là điều khó khăn, nhưng rất thường đó là điều Phúc Âm đòi hỏi. Điều nầy chắc chắn đúng trong dân Do Thái. Nó cũng đúng trong dân Hồi Giáo, Công Giáo La Mã, Phật Giáo – Nó có cùng nguyên tắc. Phao-lô nói trong II Tê-sa-lô-ni-ca rằng ngay cả người ngoại cũng bị hất hủi, loại bỏ như người Do Thái từ chính gia đình mình. Chúa Jesus đến để mang sự phân rẽ (Lu. 12:51). Thật tuyệt diệu khi cả gia đình được cứu, nhưng thực tế là bị sự chết phân rẽ và cách duy nhất bạn có thể ở cùng gia đình mình là họ cũng được cứu.
- Si-chem
Như vậy ông bắt đầu hành trình mình và nơi dừng đầu tiên trong hành trình sau khi gặp Chúa là Si-chem – “Shakem.” “Shakem” là loại từ ngữ trong tiếng Hê-bơ-rơ chỉ về “vai.” Không phải là vai trong khoa giải phẩu cơ thể, mà là ý tưởng về việc mang gánh nặng. Nó gần thành phố Nablus ngày nay. Tại Si-chem, Áp-ra-ham ở dưới cây dẻ bộp (oak – cây sồi) gọi là “cây dẻ bộp của Mô-rê.” Mô-rê theo từ ngữ Hê-bơ-rơ hiện đại là “thầy giáo” (teacher) nhưng tiếng Hê-bơ-rơ cổ là “sự hiểu biết,” đặc biệt là hiểu biết về Đức Chúa Trời.
- Hình Thể Học Về Cây Cối
Bạn phải hiểu điều gì đó từ midrash (nghiên cứu) của người Do Thái về việc ở dưới cây. Nếu Cơ Đốc nhân Do Thái ở thế kỷ thứ I đọc Phúc Âm Giăng – Giăng 1, 2 và 3 – người đó sẽ nói rằng Phúc Âm Giăng là một midrash “nghiên cứu” trên sự sáng tạo trong Sáng Thế Ký. Sự sáng tạo trong Giăng 1, 2 và 3 là một midrash trên sự sáng tạo trong Sáng Thế Ký 1, 2 và 3.
▪ Người đó sẽ nói “Đức Chúa Trời đã đi trên đất trong sự sáng tạo. (Hãy nhớ rằng A-đam nghe tiếng Đức Chúa Trời đi trong Vườn? Đó là Chúa Jesus). Giờ đây Đức Chúa Trời đi trên đất trong sự sáng tạo mới; Ngôi Lời trở nên xác thịt” (Gi. 1:14).
▪ Người đó sẽ nói “Đức Chúa Trời đến để phân sáng ra khỏi tối trong sự sáng tạo ở Sáng Thế Ký, nhưng giờ đây Đức Chúa Trời đến để phân sáng ra khỏi tối trong sự sáng tạo mới ở Giăng.”
▪ Người đó sẽ nói “Thần Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước và mang đến sự sáng tạo trong Sáng Thế Ký. Được sanh bởi nước và Thánh Linh, Đức Chúa Trời mang sự sống mới từ nước trong sự sáng tạo mới.”
▪ Người đó sẽ nói “Trong sự sáng tạo ở Sáng Thế Ký, bạn có ánh sáng nhỏ và ánh sáng lớn, nhưng trong sự sáng tạo mới, bạn có “Johannan Hamadvil” – Giăng Báp-tít ánh sáng bé tí và “Yeshua Hamashiach” – Chúa Jesus ánh sáng vĩ đại, một lời chứng cho người khác, ánh sáng phản chiếu của người khác.”
▪ Người đó sẽ nói “Vào ngày thứ ba trong sự sáng tạo ở Sáng Thế Ký, Đức Chúa Trời làm phép lạ với nước. Hãy xem và để ý trong Giăng 2:1, đám cưới tại Ca-na, chép rằng đó là ngày thứ ba. Đức Chúa Trời làm phép lạ với nước.”
▪ Người đó sẽ nói “Đức Chúa Trời đã bắt đầu kế hoạch của Ngài sáng tạo con người với lễ hôn nhân, kết hợp chồng vợ giữa A-đam và Ê-va. Do vậy giờ đây Đức Chúa Trời bắt đầu kế hoạch của Ngài sự sáng tạo mới cho con người với đám cưới tại Ca-na. Mục vụ công khai đầu tiên của Chúa Jesus là tại một đám cưới.”
Đó là cách mà người đó hiểu. Sự sáng tạo mới là một midrash trên sự sáng tạo. Nhưng rồi trong Giăng 1, Na-tha-na-ên hỏi Chúa Jesus: “Bởi đâu Thầy biết tôi?” Đức Chúa Jesus đáp rằng: “Ta đã thấy ngươi lúc ở dưới cây vả” (Gi. 1:48). Bất kỳ cây vả tầm thường nào mà Chúa Jesus đã thấy Na-tha-na-ên ở dưới, cây vả đó trong midrash được gọi là “peshit” – “ý nghĩa đơn sơ.” (Đây không phài là Thuyết Ngộ Đạo bây giờ. Thuyết Ngộ Đạo [Gnosticism] dùng biểu tượng làm căn bản cho học thuyết, trong midrash bạn dùng biểu tượng để minh họa học thuyết). Peshit là “Ta đã thấy ngươi lúc ở dưới cây vả.” Nhưng “pesshur” – “ý nghĩa sâu xa hơn” là “Ta đã thấy ngươi trong Vườn, từ buổi sáng thế.” Trong Do Thái giáo, Cây Sự Sống, “Ets Chayim,” được miêu tả bằng cây vả. Vì vậy Chúa Jesus đang nói với người đó, “Sự sáng tạo hoặc sự sáng tạo mới, Ta biết ngươi bởi vì Ta đã biết ngươi ở Vườn từ thuở sáng thế. Ta đã thấy ngươi dưới Cây Sự Sống” – Ets Chayim, cây vả.
Như vậy nơi đây Áp-ra-ham ở dưới cây dẻ bộp* (oak tree - cây sồi). “Sồi” trong tiếng Hê-bơ-rơ gọi là “elon.” Đó là loại cây có gỗ rất cứng; đó là loài cây vững chắc; đó là loài cây của sức mạnh. Bất kỳ khi nào bạn thấy người nào ở dưới cây trong Thánh Kinh, một cách tượng hình nghĩa là một điều gì đó trong midrash của người Do Thái. Trước khi bị giết, vua Sau-lơ đã ngồi dưới cây liễu xủ tơ (I Sam. 22:6). Khi ở trong tình trạng ngã lòng, tiên tri Ê-li đã ngồi dưới cây giếng giêng (I Vua 19:4). Nhưng nơi đây Áp-ra-ham ở dưới cây sồi của Mô-rê – ông ở nơi của sức mạnh do bởi sự hiểu biết về Đức Chúa Trời. *(Bản Thánh Kinh Việt Ngữ Truyền Thống dịch là cây dẻ bộp. ND).
“Si-chem” là nơi bạn đặt gánh nặng của mình xuống và bạn tiến đến sự hiểu biết đầu tiên của mình về Đức Chúa Trời. Đoạn, Áp-ra-ham lập tại đó một bàn thờ và dâng của lễ. Tại bất kỳ thời điểm thay đổi nào trong mối liên hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời, Ngài sẽ đòi hỏi chúng ta lập một bàn thờ. Trong tiếng Hê-bơ-rơ, chúng ta gọi bàn thờ là “mizbeach” và nó chỉ có một mục đích duy nhất, hy sinh điều gì đó. Không hy sinh, không tiến triển.
- Từ Si-chem Đến Bê-tên
Càng xa càng tốt – Áp-ra-ham đến Si-chem. Nhưng rồi ông chuyển đến điểm dừng kế tiếp. Nơi dừng chân kế tiếp của ông được gọi là Bê-tên, trong tiếng Hê-bơ-rơ là “Beyth El” – “Nhà của Đức Chúa Trời.” Sau khi ai đó tin Chúa thì việc đầu tiên họ nên làm bình thường là đi đến nhà thờ. Giờ đây Bê-tên ở phía tây, còn một nơi được gọi là A-hi ở phía đông. “A-hi” trong tiếng Hê-bơ-rơ nghĩa là “một đống đổ nát.” Áp-ra-ham dựng một bàn thờ khác tại Bê-tên và quay lưng về hướng đông, chỗ ông đã đến từ nơi tháp Ba-bên, nơi đế quốc Ba-by-lôn. Quá khứ của ông, phía đông, nơi ông đã đến trở thành đống đổ nát và ông đối mặt với nhà Đức Chúa Trời. Nó giống như cách mà thầy tế lễ thượng phẩm dâng của lễ. Ông phải quay lưng về phía đông, về phía Ba-by-lôn và đối mặt với phía tây. Ở đó ông dựng một bàn thờ khác.
- Một Lần Nữa, Hy Sinh
Khi đến nhà thờ bạn phải trả cái giá nào đó. Tôi không có ý nói về những gì bạn đặt vào hộp tiền dâng. Ý tôi là bạn phải quay lưng lại với quá khứ của mình. Những bạn cũ của bạn trở nên không còn thân thuộc nữa. Lợi ích duy nhất của bạn trong mối quan hệ với họ giờ đây là để làm chứng cho họ. Có thể bạn sẽ phải hủy bỏ vài sở thích cũ, ít nhất một khoảng thời gian.
Đối với tôi, tôi không thể nghe loại nhạc nào khác ngoài thánh ca truyền thống bởi vì tôi đã kết hợp âm nhạc, đặc biệt nhạc rock và nhạc cổ điển, với việc dùng ma túy. Tôi không thể nghe loại nhạc đó chừng hai năm. Vài năm sau khi tôi đã tăng trưởng trong đức tin mình, nó không còn làm tôi bực mình, nó không còn làm tôi mất tập trung nữa. Giờ đây, nó chỉ là âm nhạc, nhưng vào một lúc nó đã gây cho tôi rắc rối. Một thời gian ngắn nó phải diễn ra trên bàn thờ. Nó không giống những gì phải diễn ra trên bàn thờ vì mọi người, nhưng là điều gì đó sẽ phải diễn ra trên bàn thờ. Chúng ta quay lưng lại với quá khứ. Rõ ràng điều nầy có nghĩa là quay lưng với tội lỗi, nhưng chúng ta phải trả cái giá nào đó. Càng xa càng tốt. Nhưng bạn biết, có những người không bao giờ tiến về phía Bê-tên. Tôi gọi họ là “Những Cư Dân Si-chem.” Họ hiểu Phúc Âm và có thể làm nghề nghiệp về đức tin, nhưng họ chỉ đi đến đó. Họ không đi xa hơn nữa.
Tôi biết một “Cư Dân Si-chem” tại London, Anh quốc ở Speaker’s Corner (Góc Diễn Giả), nơi mà đôi khi tôi vẫn giảng Phúc Âm vào chiều Chúa Nhật và bị đám đông chất vấn. Tên anh là Robert – một anh chàng tử tế, anh có tấm bảng lớn đeo phía trước và sau lưng mà ở Anh quốc họ gọi là “bảng quảng cáo” (sandwich board). Tấm bảng được viết, “Đấng Christ đã chết vì tội lỗi của chúng ta” cả phía trước lẫn phía sau và anh mang nó đi vòng quanh Speaker’s Corner. Tất cả người giảng Cơ Đốc nơi đó đều biết nhau vì vậy tôi nói với anh: “Robert, tôi phải đi ngay để kịp nhóm buổi tối ở Hội Thánh tôi.” Anh hỏi tôi Hội Thánh nào tôi đến và tôi nói với anh Hội Thánh đó – đó là một Hội Thánh Báp-tít ở London vào thời gian đó và tôi nói: “Tôi phải đi.” Rồi tôi hỏi: “Hội Thánh nào anh sẽ đến?” Anh đáp: “Tôi đến Hội Thánh Công Giáo High Anglo-Catholic.” Tôi nói: “Tại sao anh không đến Hội Thánh Tin Lành?” Anh trả lời: “Vâng, tôi đã từng đến Hội Thánh Tin Lành, nhưng mọi người đều đã tái sanh. Không còn ai giảng nữa.” Anh hoàn toàn chân thật; anh muốn nói đến điều đó. Anh đã biết Phúc Âm, nhưng dường như đó là tất cả những gì anh biết. Anh không bao giờ đến Bê-tên. Thế nhưng Áp-ra-ham đã đến Bê-tên, ông dựng bàn thờ và quay lưng lại với quá khứ của mình. Nhưng rồi một điều gì đó sai lầm.
- Đi Đến Ai Cập
Ma-thi-ơ đoạn 13 nói về hạt giống rơi vào các loại đất khác nhau. Nếu ma quỷ không thể khiến cho ai đó tái phạm tội hoặc rời khỏi ham muốn xác thịt cùng dục vọng tuổi trẻ hay điều gì tương tự như vậy, nó sẽ dùng việc khác để thử thách: Khủng hoảng – tai họa. Nó sẽ làm cho bạn nghĩ rằng bạn phải nắm lấy số phận của bạn trong chính tay bạn, hoặc cách nào đó Đức Chúa Trời đã bỏ rơi bạn khi sự việc trở nên khó khăn. Và bạn nghĩ rằng phải bắt đầu thực hiện các quyết định của riêng mình. Thật dễ dàng khuyên can một Cơ Đốc nhân trẻ tuổi. Bạn biết, khi người ta đầu tiên được cứu, họ có tình yêu ban đầu và họ nghĩ ngày đầu tiên họ sẽ là Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng, đi ra ngoài và làm phép lạ. Họ nghĩ họ có thể làm được mọi sự. Họ có tình yêu ban đầu, họ có nhiều nhiệt huyết, nhưng họ không có bất kỳ kinh nghiệm nào. Họ không biết gì nhưng nghĩ rằng mình biết mọi sự. Nhưng các thử thách đầu tiên đến, vài tháng sau họ nhận ra rằng mình biết rất ít. Họ có tình yêu ban đầu – chúng ta phải cho họ điều gì đó mà chúng ta có khuynh hướng đánh mất, song họ không có bất kỳ khôn ngoan, kinh nghiệm hay hiểu biết nào. Và đó là khi họ rơi vào nan đề.
Vì vậy Áp-ra-ham làm gì? Ông đi đến Ai Cập. Ai Cập là hình ảnh của gì? Thế gian.
Hãy xem Ê-sai đoạn 30, Ê-sai nói gì về việc đi đến Ai Cập. Vua Ê-xê-chia là vị vua tốt nhưng được khuyên bảo tồi. Ông đã ở trong cơn khủng hoảng chiến lược. Ông bị quân A-si-ri xâm phạm ở phía đông và ông có Ai Cập ở phía khác. Ông bị chèn ở giữa hai siêu quyền lực. Ông được khuyên hãy đi đến Ai Cập để xin trợ giúp. Tiên tri Ê-sai đã cảnh cáo chống lại những kẻ đang bảo vua làm điều đó. Hãy xem Ê-sai 30:1
Đức Giê-hô-va phán: Khốn thay cho con cái bội nghịch,
lập mưu chẳng bởi ý Ta,
kết ước chẳng cậy Thần Ta,
Khi bạn thấy người ta đi vào những điều giống như Ecumenism (cố kết hợp các tôn giáo khác nhau hoặc Cơ Đốc giáo thật và Cơ Đốc giáo giả hình lại với nhau), họ thực hiện sự liên hiệp không phải của Thánh Linh Đức Chúa Trời. Họ đang đi đến Ai Cập, tôn giáo của thế gian.
hầu cho thêm tội trên tội;
chúng nó chưa hỏi miệng Ta,
đã khởi đi xuống Ê-díp-tô,
để cậy sức mạnh của Pha-ra-ôn mà thêm sức cho mình,
và núp dưới bóng Ê-díp-tô!
Hãy để ý rằng không phải họ đi đến Ai Cập, song họ đi mà không hỏi Chúa. Bất cứ khi nào dính dáng với thế gian, bạn phải có sự khôn ngoan và hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Bạn dính líu đến hệ thống hợp pháp của thế gian ư? Bạn phải có sự hướng dẫn của Chúa trong đó. Bạn dính líu đến hệ thống tài chánh, hệ thống y tế, hệ thống học đường của thế gian – bất cứ khi nào bạn dính dáng đến thế gian bạn cần phải hỏi ý Chúa. Tôi sẽ không khuyên bạn nhiều như việc nuốt viên aspirine mà không cầu nguyện trước hết! Nhưng bất cứ khi nào dính dáng đến thế gian, bạn cần phải hỏi ý Chúa. Trong khủng hoảng, xác thịt sẽ có khuynh hướng thiên về những gì xác thịt cho là mạnh mẽ: Thế gian.
Cho nên sức mạnh của Pha-ra-ôn sẽ làm sỉ nhục các ngươi,
nơi ẩn náu dưới bóng Ê-díp-tô sẽ trở nên sự xấu hổ các ngươi.
Bất cứ khi nào ai đó đi vào thế gian họ sẽ chấm dứt trong tình trạng xấu hổ. Những kẻ tái phạm luôn luôn như vậy. Cuối cùng họ sẽ kết thúc ở việc bị sỉ nhục. Hãy xem điều xảy ra với Áp-ra-ham. Ông đi rất thấp, ông thật sự bằng lòng trao vợ mình về phần xác thịt cho kẻ khác.
- Bạn Không Bao Giờ Có Thể Vẫn Như Vậy
Bạn thấy, bạn không bao giờ có thể gặp Chúa Jesus mà vẫn như vậy. Bạn từng đến để biết Chúa, dù bạn sẽ tốt hơn hay tệ hơn, nhưng bạn không thể vẫn như vậy. Nếu quay lại thế gian, bạn sẽ chìm đắm vào mức độ suy đồi đạo đức còn tệ hơn điều bạn đã làm trước khi lần đầu được cứu. Bạn không thể gặp Đấng Christ mà vẫn như vậy; bạn sẽ tốt hơn hoặc sẽ tệ hơn. Nếu trở lại thế gian, bạn sẽ trở nên suy đồi hơn trước khi biết Chúa. Bạn sẽ chìm đắm sâu hơn. Không chỉ vậy, bạn sẽ kết thúc trong tình trạng xấu hổ. Hãy xem Ê-sai 31:1-3 bày tỏ:
Khốn thay cho những kẻ xuống Ê-díp-tô đặng cầu cứu,
nhờ những ngựa, cậy những xe binh vì nó nhiều,
và những lính kỵ vì nó mạnh,
mà không ngó về Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên, và chẳng tìm cầu Đức Giê-hô-va!
Nhưng mà Ngài cũng là khôn sáng! Ấy chính Ngài là Đấng giáng tai vạ,
chẳng hề ăn lời mình.
Ngài sẽ dấy lên nghịch cùng nhà kẻ dữ, và nghịch cùng kẻ giúp bọn gian ác.
Vả, người Ê-díp-tô là loài người,
không phải là Đức Chúa Trời;
những ngựa nó chỉ là xác thịt, không phải là thần.
Khi Đức Giê-hô-va sẽ dang tay ra, tức thì kẻ giúp sẽ vấp,
kẻ được giúp sẽ ngã, cả hai đều diệt mất.
Không có sự giúp đỡ nào của Ai Cập (Ê-díp-tô). Sức mạnh của những ngựa là xác thịt, không phải thần linh. Sự sáng tạo cũ sẽ luôn nhìn vào xác thịt, luôn nhìn vào những vật thế gian xem trọng: tiền bạc, quyền lực, ảnh hưởng, uy tín. Nếu Đức Chúa Trời dùng những vật thế gian, nó sẽ được dùng theo điều kiện Ngài, không bao giờ theo điều kiện của thế gian. Bất cứ khi nào bạn dính dáng đến thế gian, bạn cần hỏi ý Chúa. Nhưng xác thịt muốn tin cậy những vật thế gian; xác thịt muốn tin cậy những vật thế gian xem trọng.
Áp-ra-ham tìm con đường khó khăn và ông đi đến đó. Ông đi tất cả con đường thời xưa gọi là Đồng Vắng Su-rơ. Nói cách phỏng chừng, Đồng Vắng Su-rơ nằm ở phía đông khu vực sa mạc Si-nai và phía tây khu vực Nam phương (Negev). Đó là hành trình dài, nóng bức, tất cả mọi con đường đều đổ xuống Ai Cập. Rồi tất cả mọi con đường đồng trở lại Bê-tên trong Sáng 13:1.
- Khôi Phục Lại Hành Trình Ban Đầu
Bạn thấy, bạn tìm lại được nơi mình đã rời bỏ. Trên hành trình mình, Áp-ra-ham có thể ở xa hơn nơi Đức Chúa Trời muốn ông đến, nhưng thay vào đó ông đã lãng phí thời gian mình. Những kẻ tái phạm lãng phí thời gian của họ, họ lãng phí cuộc đời mình. So sánh với sự vĩnh cửu thì 10 năm hoặc 20 năm có đáng là bao? Không là gì cả. Nhưng so sánh 80 năm hoặc 90 năm mà bạn chắc chắn có nhất trên thế gian thì 10 năm, 20 năm là thời gian dài lãng phí. Nhưng kẻ tái phạm lãng phí thời gian của họ, họ chắc chắn đang lãng phí tuổi trẻ của mình. Và tất cả sẽ không còn gì hết. Họ sẽ kết thúc trong tình trạng xấu hổ. Họ sẽ rời khỏi Ai Cập hoặc họ sẽ chết nơi đó và bạn tìm lại nơi mình đã rời bỏ. Tất cả thời gian đó đã lãng phí vô ích. Trở lại Bê-tên.
Rồi Áp-ra-ham khôi phục lại hành trình mà lẽ ra ông nên đi suốt thời gian qua. Từ Bê-tên, ông tiến xa hơn về phía nam. Ông đi qua đồi núi xứ Giu-đa, từ non cao Sa-ma-ri đến dốc đá Giu-đa. Chuyến hành trình dài, gian khổ từ Bê-tên đến Hếp-rôn, nhưng không khó khăn như mọi lối đến Ai Cập và trở lại. Ông đến Hếp-rôn. “Hếp-rôn” có nguồn gốc từ chữ Hê-bơ-rơ “heet ha brut” – “sự thông công.” Từ Hê-bơ-rơ “heet ha brut” chỉ sự thông công có nghĩa là “những viên gạch giữ chặt với nhau.” Phi-e-rơ đã nêu ra điều nầy trong I Phi. 2:5; chúng ta là đá đền thờ, Hội Thánh là đền thờ. Chúng ta là “đá sống.”
Vào ngày Chúa Nhật trước Phục Sinh (Palm Sunday) Chúa Jesus vào trong Đền Thờ từ Cửa Đông và dân sự đang hát Hallel Rabbah cho Ngài (Thi 113-118). “Hô-sa-na Con vua Đa-vít,” Mấy thầy thông giáo và Pha-ri-si (hội đồng Sanhedrin) xin Chúa Jesus bảo dân chúng nín lặng. Chúa Jêsus phán: “Nếu họ nín lặng thì đá sẽ kêu lên” (Lu. 19:40). Ngài đang nói theo midrash Do Thái, đó là nếu người Do Thái không công bố Ta là Đấng Mê-si, thì các Cơ Đốc nhân sẽ làm việc nầy. Giăng Báp-tít nói Đức Chúa Trời có thể khiến đá nầy sanh ra con cho Áp-ra-ham được (Mat. 3:9) – Cơ Đốc nhân là con của Áp-ra-ham. Hếp-rôn là nơi thông công – những viên đá kết dính lại với nhau.
Hãy giả sử tôi vào trong nhà thờ và nói với mục sư quản nhiệm: “Ông có ngôi nhà thờ đẹp – đúng là một tòa nhà, nhưng thiếu nhiều gạch trên tường. Tất cả viên gạch thiếu nầy đâu rồi?” Chúng kia – ở giữa sàn nhà. Những viên gạch được sắp xếp giữa sàn nhà thì đẹp đẽ gì? Đối với gạch, để đẹp chúng phải được đặt vào tường, được kết dính với những viên gạch khác. Đó là sự thông công. Đó là sức mạnh. Mộtlà việc đến nhà thờ, việc kia là đến để thông công.
Hành trình đến Hếp-rôn thì dài và gian khổ qua những dãy núi; lúc đến Hếp-rôn, Áp-ra-ham phải dựng một bàn thờ khác. Nếu bạn muốn đến để thông công, bạn phải trả cái giá nào đó. Bất kỳ ai cũng có thể đến nhà thờ, hát thánh ca, dâng phần mười, mang theo của lễ - “Chào người anh em, bạn có khỏe không? Gặp lại bạn vào tuần sau.” Bất kỳ ai cũng có thể làm việc đó.
Giờ đây làm việc đó không sai. Khi bạn là một tân tín hữu, bạn có thể đến Bê-tên, nhưng ở lại Bê-tên là sai. Bạn phải đến Hếp-rôn, bạn phải đến để thông công. Bởi vì tại nơi thông công, Áp-ra-ham ở dưới các cây dẻ bộp khác, lùm cây dẻ bộp tại Mam-rê (Chỗ nầy gần nơi mà ngày nay được gọi là Kirath Arba bên Bờ Tây, một khu vực rất hỗn loạn. Ở đó có hang đá Mặc-bê-la, nơi các tộc trưởng được chôn cất). “Mam-rê” trong tiếng Hê-bơ-rơ nghĩa là “sự vững chắc” hoặc “sự cường tráng.” “Những cây dẻ bộp của sức mạnh.” Và chỉ khi đến Hếp-rôn, ở dưới lùm cây dẻ bộp tại Mam-rê, Áp-ra-ham mới ở vị trí sức mạnh chiến lược để giải cứu cho người bà con mình là Lót. Ông không thể giải cứu Lót nếu vẫn còn ở Bê-tên, ông phải xuống Hếp-rôn gần nơi Lót ở.
- Từ Hội Thánh Đến Thông Công
Chúng ta muốn gia đình, láng giềng, bạn bè mình được cứu; chúng ta muốn đồng bào mình được cứu khỏi kẻ ngoại giáo – dân Ca-na-an trong xứ, khỏi phong trào Tân Thời Đại,* khỏi Hồi giáo, khỏi các tà giáo, khỏi Cơ Đốc giáo giả hình, song bạn sẽ không bao giờ làm được việc nầy chỉ bằng cách đơn giản là đi đến nhà thờ.
*Nguyên văn là New Age, là phong trào tâm linh và xã hội phương Tây muốn tìm kiếm “Chân Lý Vũ Trụ” (Universal Truth) và tiềm năng tri thức cao nhất của cá nhân con người. Nó bao gồm các khía cạnh của thuyết huyền bí, thiên văn học, chủ nghĩa bí truyền, siêu hình học,… ND.
Tôi là nhà truyền giáo ở Trung Đông nhiều năm – hãy nghe tôi. Không có Hội Thánh nào trên thế gian – Tôi không nói đến Hội Thánh theo nghĩa từ Hy Lạp “eklesia” nhưng theo nghĩa “giáo dân” – Không có Hội Thánh nào trên thế gian có thể thách đố với nhà thờ Hồi giáo và chiến thắng. Bạn có nghe tôi nói gì không? Không có Hội Thánh nào trên thế gian có thể thách đố với nhà thờ Hồi giáo và chiến thắng. Trừ phi bạn muốn thách đố với nhà thờ Hồi giáo rằng bạn tốt hơn trong sự thông công. Trừ phi bạn thách đố với đạo Hồi rằng bạn tốt hơn trong nơi vững chắc, cường tráng, mạnh mẽ thật sự.
Không có Hội Thánh nào trên thế gian có thể thách đố với Mọt-môn hoặc Chứng Nhân Giê-hô-va – họ quá tận tụy. Họ sốt sắng vì lời dối trá còn hơn những Cơ Đốc nhân sốt sắng nhất cho lẽ thật. Không có Hội Thánh nào trên thế gian có thể thách đố với Hoàng Cung (Kingdom Hall) của Chứng Nhân Giê-hô-va hoặc đền thờ của Mọt-môn. Không có. Không có Hội Thánh nào trên thế gian có thể thách đố với những nơi đó; sự thông công thì có thể - chứ không phải Hội Thánh.
- Bê-tên Sẽ Dẫn Đến Nan Đề
Bạn cư ngụ ở Bê-tên hay bạn cư ngụ ở Hếp-rôn? Vâng, nếu bạn đang cư ngụ ở Bê-tên, bạn sẽ có nan đề. Hãy mở với tôi trong A-mốt 4:4-5.
Hãy đi đến Bê-tên, và phạm tội;
hãy đi đến Ghinh-ganh, và phạm tội thêm!
Mỗi buổi sáng hãy đem của lễ mình đến,
và cứ ba ngày thì dâng các phần mười của các ngươi!
Hãy đốt của lễ thù ân có men;
… (tội lỗi, học thuyết sai lạc)…
hãy rao ra những của lễ lạc hiến;
hãy làm cho thiên hạ biết;
Hãy đi đến Bê-tên và phạm tội? Ôi, bạn dâng phần mười và các của lễ lạc hiến mình, nhưng bạn cũng mang theo một của lễ tội lỗi có men.
hỡi con cái Y-sơ-ra-ên, vì các ngươi ưa thích điều đó,
Chúa Giê-hô-va phán vậy.
Hỡi các tín hữu Tin Lành! Hỡi những người Ngũ Tuần! Vì các ngươi ưa thích điều đó; hỡi các tín hữu Trưởng Lão! Hỡi những người Báp-tít! Tất cả chúng ta!
“Ôi, tôi đến nhà thờ! Tôi dâng phần mười!” Nó có men. Kiêu ngạo thuộc linh, tội lỗi, học thuyết sai lạc. “Ôi, tôi đến nhà thờ, như mong muốn! Tôi làm chút phần mình! Tôi dâng phần mười! Tôi hài lòng!” Xác thịt yêu thương tôn giáo. Sự sáng tạo cũ sẽ luôn luôn cố tự bào chữa bằng cách giữ luật lệ, bằng việc quay trở lại thời Luật Pháp. Hãy xem A-mốt 5:5.
Chớ tìm kiếm Bê-tên,
chớ vào trong Ghinh-ganh,
đừng đi đến Bê-e-Sê-ba.
(tất cả các điều nầy có nghĩa trong tiếng Hê-bơ-rơ).
Vì Ghinh-ganh sẽ bị đày,
Bê-tên sẽ trở nên một nơi đổ nát.
Bạn có thấy? “Bê-tên sẽ trở nên một nơi đổ nát.” Nhà thờ sẽ bỏ rơi bạn. Nếu chưa xảy ra, tôi bảo đảm chắc chắn rằng chẳng bao lâu nữa hoặc sau đó sẽ xảy ra – Tôi hứa với bạn, nhà thờ sẽ bỏ rơi bạn. Lý do nhà thờ bỏ rơi bạn là bởi vì nhà thờ được cấu thành bởi con người chỉ thích bạn và chỉ thích tôi. Nhà thờ sẽ bỏ rơi bạn. Nhà thờ không chịu đựng nỗi nữa. “Bê-tên sẽ trở nên một nơi đổ nát.” Nhưng sự thông công sẽ đứng vững. Không có sự an toàn trong nhà thờ; song có sự an toàn ở Hếp-rôn – đó là nơi sức mạnh hiện hữu. Đó là nơi lùm cây dẻ bộp tại Mam-rê tăng trưởng.
- Những Cư Dân Bê-tên
“Cư Dân Bê-tên” là gì? Có nhiều cách để chọn ra họ. Dĩ nhiên, một cách là chọn người đến nhà thờ sáng Chúa Nhật, nhưng không đến dự buổi nhóm tối. Không vì bất kỳ lý do tốt đẹp nào như bận làm việc hay con bệnh hoặc hoặc lý do nào khác giống như vậy. Chỉ bởi vì họ thích xem đá banh, thay vì ghi hình để xem lại khi họ trở về nhà. Đó là “Cư Dân Bê-tên.” Ngày nay bạn có thể ghi hình lại trận đấu nếu bạn thích thể thao, song những người đó có vấn đề. Hoặc họ đến vào Chúa Nhật và làm chút việc của họ, nhưng họ sẽ không đến vào các buổi nhóm giữa tuần, họ kiên quyết làm vậy. Không phải vì lý do chính đáng như con bệnh hay trách nhiệm làm việc hoặc việc gì đó giống vậy, ý tôi chỉ là người ta viện lý do để không đến. Những người nầy có vấn đề. Các quyền ưu tiên của họ bị sai lệch.
Nhưng có một cách chắc chắn để nói về “Cư Dân Bê-tên.” Tôi đã nói với bạn cách để chọn ra “Cư Dân Bê-tên,” họ đã tin Chúa 5 năm, họ đã tin Chúa 10 năm, họ đã tin Chúa 60 năm hoặc hơn nữa và họ không biết mình có “mắt,” “chân” hoặc “tay” hay không nữa. Họ không biết các ân tứ của mình là gì, họ không biết mục vụ của mình, họ không biết mình có ân tứ dạy hay không, họ không biết mình có ân tứ giảng Phúc Âm, ân tứ cứu giúp hay không – Họ không biết các ân tứ của mình là gì cả. Họ không biết nơi mình gắn khít vào tường, vì vậy họ chỉ là viên gạch dưới sàn. Họ đến nhà thờ, họ dâng phần mười, họ hát thánh ca và nói: “Tôi sẽ gặp bạn tuần tới.” Đólà “Cư Dân Bê-tên.”
Hầu hết Cơ Đốc nhân phương Tây là những “Cư Dân Bê-tên.” Trong hầu hết các nhà thờ mà tôi đến ở phương Tây có 15% số người làm 85% việc cầu nguyện. Hãy kêu gọi một buổi nhóm cầu nguyện để xem có bao nhiêu người đến. Chỉ có 15% người làm 85% mục vụ. Chỉ có 15% người làm 85% cam kết. Tôi không có ý nói ở dạng tổng số mà là dạng khả năng – tỷ lệ. Đó là 15% người ở trong sự thông công; những người khác chỉ đi nhà thờ. “Bê-tên sẽ trở nên một nơi đổ nát.” Tôi đang nói với bạn rằng Hội Thánh sẽ bỏ rơi bạn. Và trong Ngày Cuối Cùng sẽ bỏ rơi tất cả chúng ta.
Bạn đừng bao giờ chỉ mang điều gì đó thôi đến nhà thờ. Một Cơ Đốc nhân trẻ ư? Tốt lắm, đến nhà thờ nhưng bạn phải đến để thông công và dựng bàn thờ đó. Bạn sẽ trả cái giá nào đó để đến sự thông công. Trả giá về thì giờ, tiền bạc, xung đột tâm linh – Sẽ có cái giá phải trả. Không bàn thờ, không của lễ; không của lễ, không phát triển.
- Tất Cả Chúng Ta Ở Nơi Nào Đó Trên Hành Trình
Mọi người đều ở nơi nào đó trên Hành Trình của Áp-ra-ham. Ngay cả thiếu ấu nhi trong nhà trẻ hay ở Trường Chúa Nhật – họ chưa biết đó thôi, nhưng họ đang ở U-rơ thuộc xứ Canh-đê. Qua niềm tin của cha mẹ, họ được Chúa đưa đến con đường cứu rỗi. Đức Chúa Trời đã kêu gọi họ. Chúng ta không làm báp-têm cho trẻ em, nhưng Đức Chúa Trời nhìn con của Cơ Đốc nhân khác hơn con của thế gian.
Có thể bạn đang ở Cha-ran, vào điểm khủng hoảng đó. Nếu bạn đọc điều nầy và bạn chưa được tái sanh, chưa chấp nhận Chúa Jesus, thì bạn đang đọc vì một lý do. Không phải lý do của riêng bạn mà là của Đức Chúa Trời. Cuộc sống bạn vô nghĩa, nhưng nếu bạn quay lại với Chúa Jesus nó sẽ có ý nghĩa, bởi vì trở thành Cơ Đốc nhân thì rất dễ dàng. Có lẽ những điều bạn đọc hôm nay thì phức tạp, song khi bạn được sanh ra, là một đứa bé, không biết gì nhiều – nó sẽ học. Khi bạn được tái sanh cũng như vậy: Bạn tiếp tục học thêm. Nhưng được sinh ra dễ dàng và được tái sanh cũng vậy. Phúc Âm thì đơn giản. Cũng như tình thương bạn dành cho con mình, nếu bạn có con; Đức Chúa Trời đã sáng tạo ra tình thương đó để dạy bạn biết Ngài yêu thương bạn biết dường bao. Và như vậy bạn sẽ sẵn sàng dâng sự sống mình để cứu cuộc đời con bạn; đó là những gì Chúa Jesus đã làm khi Ngài chết trên thập tự giá vì tội lỗi của bạn. Đó là những gì Ngài đã làm. Bạn thấy đấy, tất cả chúng ta đã nổi loạn chống lại tình yêu thương của Đức Chúa Trời và từ chối thẩm quyền của Ngài. Chúng ta đã chịu ảnh hưởng của kẻ được gọi là ma quỷ, thần của thế gian nầy. Đó là lý do chúng ta hủy diệt môi trường. Đó là lý do hôn nhân đỗ vỡ. Đó là lý do chúng ta muốn được tốt và làm lành, nhưng chúng ta lại làm những điều chúng ta biết là sai. Chúng ta có bản chất sa ngã và toàn bộ thế gian nằm dưới quyền lực ma quỷ. Đối với Đức Chúa Trời, một người không có tội đáng giá hơn tất cả kẻ có tội. Đó là cách Chúa Jesus có thể chết cho mọi người, bởi vì một người không có tội đáng giá hơn tất cả kẻ có tội. Đức Chúa Trời đã trở thành người và Ngài gánh tội lỗi của chúng ta. Mọi việc sai tôi đã làm, mọi điều trái bạn đã làm, Đức Chúa Trời đã đặt chúng lên Chúa Jesus. Và Đức Chúa Trời đã lấy sự công bình của Ngài ban cho chúng ta. Và khi Chúa Jesus sống lại từ cõi chết, Ngài sẽ kéo chúng ta khỏi sự chết để vào trong sự sống đời đời. Đó là Phúc Âm.
Bạn phải quay đi khỏi tội lỗi. Hãy cầu xin Đức Chúa Trời năng lực để quay đi khỏi tội lỗi và Ngài sẽ ban cho bạn năng lực đó. Ngài đã giải thoát tôi khỏi cơn nghiện cocaine khi tôi học ở Đại Học, một cơn nghiện khủng khiếp. Ma quỷ đã kìm kẹp cuộc sống tôi, nhưng Chúa Jesus quyền năng hơn ma quỷ, Ngài quyền năng hơn cocaine. Những gì đã làm cho tôi, Ngài có thể làm cho bất kỳ ai. Ngài sẽ làm điều đó cho bạn. Chúa sẽ ban cho bạn quyền năng để quay đi khỏi tội lỗi nếu bạn cầu xin Ngài. Chúa sẽ cất tội lỗi của bạn đi và ban cho bạn sự sống của Ngài.
Nếu không biết Chúa thì bạn vẫn còn ở Cha-ran, bạn đang ở tại điểm khủng hoảng. Bạn có thể đi từ sự chết đến sự sống hôm nay. Bạn không phải đi đến hỏa ngục, bạn không phải đi đến nơi phán xét, bạn có thể trở thành con của Áp-ra-ham hôm nay.
Có lẽ bạn đang ở Bê-tên, nơi bạn đến nhà thờ. Ma quỷ đến nhà thờ mỗi Chúa Nhật. Hắn rất ngoan đạo. Ma quỷ đem nhiều người vào hỏa ngục với tôn giáo hơn là hắn làm với tất cả chất ma túy, tất cả hành động bất lương, tất cả trò cờ bạc ép buộc đặt lại cùng nhau. Tôn giáo sẽ không đưa bạn đến đâu cả; Chúa Jesus sẽ mang bạn đến nơi đó. Tôn giáo không phải là giải pháp cho những nan đề của thế gian; tôn giáo lànan đề của thế gian, Chúa Jesus là giải pháp. Nhưng có lẽ sự việc đi sai. Có lẽ đó là luật của thế gian, sự việc giống như bản chất cũ, ham muốn xác thịt, tình dục vô đạo đức, mối quan hệ bỉ ổi, ma túy – bất cứ điều gì – yêu tiền bạc hoặc có lẽ sự việc vừa đi sai. Bạn cảm thấy Đức Chúa Trời đã bỏ rơi bạn. Ngài không bỏ rơi, nhưng bạn cảm thấy giống như Ngài đã làm vậy và bạn bắt đầu chệch hướng và cho rằng quản lý sự hiện hữu của mình không còn là cộng sự thấp hơn nhưng cao hơn và bạn đi đến Ai Cập. Bạn trở lại thế gian.
Không có hy vọng cho bạn ở đó; bạn sẽ chỉ kết thúc trong tình trạng sỉ nhục. Bạn sẽ ra khỏi đó hoặc bạn sẽ chết tại đó. Không phải như vậy là kẻ tái phạm “thành công” đâu. Nó là sự bất khả thi (impossibility - điều không thể làm được) về thần học. Bạn đang lãng phí cuộc đời mình, bạn đang lãng phí tuổi xuân mình – vừa lãng phí nó, bạn đã trở lại Bê-tên. Hãy trở về với Chúa, với nhà Ngài và tìm lại nơi bạn đã rời khỏi.
Bê-tên là nơi hầu hết chúng ta đang ở - nhưng đó không phải là nơi Đức Chúa Trời muốn chúng ta cư ngụ. Chúa muốn chúng ta ở Hếp-rôn. Chúa không muốn chúng ta là những viên gạch dưới sàn nhà, Ngài muốn chúng ta là những viên gạch được trát dính vào tường. Chúa muốn bạn biết nơi của mình trong thân thể, Ngài muốn bạn ở nơi vững chắc và mạnh mẽ, như vậy bạn có thể cứu người thân khỏi vua của bóng tối. Đó là nơi Chúa muốn bạn ở.
Bạn đang ở đâu? Có thể bạn đang ở Ai Cập. Tôi xin bạn – Đức Chúa Trời yêu thương bạn vô cùng, cuộc sống nầy quá ngắn ngủi, hãy đừng lãng phí nó. Chúng ta được nhắc nhở trong Truyền Đạo: “Tuổi trẻ trôi qua mau” (Truyền 12:1). Đừng lãng phí nó!
Nhưng đa số các bạn hiện ở nơi của hầu hết các Cơ Đốc nhân – ít nhất ở thế giới phương Tây, hầu hết các bạn hiện ở trong Hội Thánh. Hầu hết Cơ Đốc nhân đang ở tại Bê-tên. Tôi có một hy vọng và một lời cầu nguyện cho Hội Thánh bạn. Đây là hy vọng của tôi và lời cầu nguyện của tôi cho Hội Thánh bạn: Chẳng bao lâu nó sẽ không còn là Hội Thánh nữa. Lời cầu nguyện của tôi cho bạn là Hội Thánh bạn sẽ trở thành sự thông công.
Translator into Vietnamese: Daniel Nguyen